Trà đạo

Cập nhật: 10-04-2018 10:49:15 | Vườn ẩm thực chay | Lượt xem: 916

Trà có nguồn gốc từ Trung Quốc, du nhập vào văn hóa của nhiều quốc gia trong đó có Nhật Bản.

Trà đạo

Trà có nguồn gốc từ Trung Quốc, du nhập vào văn hóa của nhiều quốc gia trong đó có Nhật Bản.

Đầu tiên là vào thế kỷ XII, sư Vĩnh Tây (Eisai) sang Trung Hoa tham học với Thiền sư Hư Am Hoài Sưởng, về nước ông mang theo một số hạt trà để trồng và phổ biến tác dụng của trà và cách thức uống trà.

Khoảng thời gian sau đó, trà được sử dụng rộng rãi trong giới quý tộc.

Đến thế kỷ XIV, sư Châu Quang (Marata Juko), đệ tử của Thiền sư Nhất Hưu, thường hay ngủ gật ngay cả những nơi công cộng. Sư đi trị bệnh, thầy thuốc khuyên Sư uống trà. Những cơn ngủ gục chấm dứt.

Châu Quang thấy tác dụng của trà có thể giúp ích cho kẻ tu đạo, cũng có thể làm phương tiện dẫn đạo, nên đã đưa lễ tiết vào việc uống trà, gọi là Trà đạo. Trà đạo có từ đó và sư Châu Quang là người sáng lập.

Trà, tính của nó vốn không xấu, không tốt, không lợi, không hại. Lợi, hại, tốt, xấu là vì đặt nó trong duyên. Như báu mani, vốn trong suốt không có màu sắc, chỉ tùy sắc quanh xanh thì hiện xanh, sắc quanh đỏ thì hiện đỏ. Là tùy duyên mà hiện sắc. Không duyên thì không sắc có thể nói. Tất cả pháp thế gian đều như thế.

Kẻ từng đến, cứ tùy duyên mà tiêu nghiệp cũ. Tu mà không tu. Không tu mà tu. Uống trà đi! Tùy duyên làm lợi ích chúng sinh. Tiêu trừ tập khí của mình.

Người chưa đến, cứ bổn phận hiện thời mà làm. “Uống trà đi!”. Thời tiết nhân duyên hội đủ, một chữ trà còn không thể lọt, nói là ba chữ. “Uống trà đi!”. 

Ở mặt lợi ích, trà có tác dụng ngăn mỡ phát triển, nên có thể giúp giảm cân (trà trắng). Có tác dụng chống oxy hóa, nên tốt cho tim mạch (trà xanh). Điều trị rối loạn lo âu nên là loại thuốc an thần tốt (trà hoa cúc). Có khả năng chống viêm nên giúp giảm những rắc rối có liên quan đến tiêu hóa (hồng trà). Có khả năng mở rộng các mạch máu nên có thể làm giảm huyết áp (trà dâm bụt)5. Bản thân người viết cũng nhận thức được từ thực tế rằng: Trà làm ta tỉnh táo, hưng phấn tinh thần, tăng thể lực, và đúng là có loại trà làm giảm huyết áp. Nếu biết sử dụng đúng cách mà không lạm dụng quá mức, trà có mặt tích cực của nó. Nếu không đúng cách, nó sẽ hiển lộ mặt tiêu cực là trà có hại. Pháp duyên khởi là vậy. Không thể tránh khỏi mặt hại khi đã nhận ra mặt lợi của nó.

Đạo, là con đường, phương cách, phương tiện. Như trăm ngàn con đường dẫn về cội nguồn. Nguồn ấy cũng gọi là Đạo. Như “Pháp” dùng để chỉ cho muôn sự muôn vật ở mặt hiện tướng, nhưng “Pháp” cũng dùng để chỉ cho tánh thể không của mọi hiện tướng đó. Bởi tướng thì không ngoài thể, từ thể hiện tướng. Từ Đạo hiển Đạo (con đường), nên Đạo không ngoài Đạo, sao cho chúng sinh y đó, thể xác lẫn tinh thần đều được khỏe mạnh. Rốt sau thể nhập Phật pháp giới tánh.

Nói đến cái Đạo giúp người khỏe mạnh ở mặt thể chất, trà được khuyến cáo cần dùng đúng duyên.

Đúng duyên, là muốn nói đến các duyên như tính chất trà, thời gian uống trà, liều lượng trà uống trong ngày... các thứ đó phải được dùng phù hợp với cơ thể của người uống trà, sao cho trà thành lợi ích. Như người huyết áp thấp thì không nên dùng các loại trà có tính làm giảm huyết áp. Người thần kinh nhạy cảm thì không nên dùng trà trước khi ngủ. Trà, không nên uống khi bụng đói, không nên uống khi đã pha qua ngày. Không nên uống quá nhiều trà trong ngày.

Trà có tính năng giúp tăng thể lực, trừ sự mệt mỏi giải đãi, tạo sự hưng phấn. Tuy vậy, nếu ta dùng nó như loại bảo bối đáp ứng nhu cầu công việc quá tải thường xuyên, thì ngoài việc bản thân bị lệ thuộc vào trà, lâu dần sức khỏe cũng sút sa trầm trọng. Vì đã dùng nó như loại doping tạo sự hưng phấn nhất thời. Do dùng dài lâu, không thể tránh được những kết quả xấu. 

Nói cách khác, tinh thần của Trà đạo chính là uống trà trong chánh niệm.

Chánh niệm, là không đây cũng không kia, mà phương tiện của nó là chuyên tâm vào việc pha trà hay uống trà. Pha trà biết đang pha trà. Đưa tay cầm chén, biết đang đưa tay cầm chén trà v.v… Như Phật dạy chư vị Tỳ-kheo trong bài kinh Thân hành niệm6: “Thở vô dài, biết thở vô dài. Thở vô ngắn, biết thở vô ngắn … khi đi biết tôi đi, khi đứng biết tôi đứng. Thân thể được sử dụng thế nào, vị ấy biết thân thể như thế ấy. Lại nữa, này các Tỳ-kheo! Khi bước tới bước lui biết việc mình đang làm. Khi co tay duỗi tay biết việc mình đang làm. Khi mang bát, mang y biết rõ việc mình đang làm… Vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh… ”. Đó là phương cách giúp lắng đi cái tâm vọng động mà uống trà. Đặt mọi tư duy phiền não qua một bên, trong không gian yên bình, vắng lặng.

Mọi nghi lễ bày ra trong việc uống trà chỉ là làm sao để những kẻ trong buỗi lễ trà đều có phần sống của mình trong giây phút hiện tại. “Đối với nghi thức Trà đạo Nhật Bản, hương vị của trà không đóng vai trò chính như cái tên được gắn lên của nó. Chỉ có một loại trà duy nhất dùng cho nghi thức này là bột trà xanh matcha… Khách thể chính của nghi thức Trà đạo Nhật Bản, là thao tác pha trà của người pha, là thao tác uống trà của người uống. Cả người pha và người uống đều không quan tâm đến hương vị của trà, không quan tâm đến sản phẩm họ đang chế tác và tiếp nhận là gì, dù họ rất tôn trọng sản phẩm này. Thứ mà họ tập trung vào là các thao tác. Họ hòa mình vào các thao tác, hòa mình vào thiên nhiên mộc mạc đơn sơ do họ tạo ra, nhằm để tâm trí họ được tĩnh lặng.. Cho nên, mọi hình thức là cần thiết để trợ duyên tái tạo những giây phút bình yên, nhưng đó không phải là tất cả. Nếu dính mắc vào đó, tinh hoa của Trà đạo bị đánh cắp. Bởi theo tướng thì bỏ tâm. Rồi cũng lại so đo hối hả không dừng. Sự mộc mạc của cảnh không làm vơi được mức độ “ồn náo” của tâm. Nghi thức lễ tiết chậm rãi của mọi hành tác không giúp dừng được cái tâm vội vàng hối hả trôi theo dòng đời.(St) 

Ý kiến phản hồi

Gửi Phản hồi


V . Quê Hương Việt Nam q Bước đầu học Phật