Nước biển mênh mong không đong đầy tình mẹ

Cập nhật: 29-04-2019 02:24:41 | Văn hóa Phật Giáo | Lượt xem: 9803

 Gương hiếu hạnh của các vị hiếu tử là bài học luân lý, đạo đức hiệu qủa nhất để các con cháu họ noi theo.

Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Câu ca dao trên đã tạo niềm cảm hứng cho nhà thơ, nhà văn và cũng là nhà giáo Thanh Tịnh viết tập truyện ngắn Quê mẹ, đứa con đầu lòng nầy được xuất bản vào năm 1941, trong  tập Quê mẹ  có truyện Tôi đi học, nội dung diễn tả tâm trạng hân hoan, vui mừng lẫn lo sợ của cậu bé được người mẹ âu yếm nắm tay dẫn đến lớp học trong ngày tựu trường  vào một buổi sáng mùa thu. Hình ảnh ngày tựu trường đó đã ghi sâu vào tâm thức cậu bé. Đoản văn nầy có một thời được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy, vì cốt chuyện nêu lên sự quan tâm của các bậc cha mẹ trong việc khai trí cho con trẻ  :  “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức mơn man của buổi tựu trường.

Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nẩy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đảng…

…Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường nầy tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần nầy tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng  tôi đang có sự thay đổi lớnHôm nay tôi đi học” .

Không riêng gì  nhà văn Thanh Tịnh viết về mẹ. Trong quyển sách Thiền sư Việt Nam do hòa thượng Thanh Từ biên soạn có câu chuyện thiền sư Nhất Định và thiền sư Tông Diễn là hai vị sư rất có hiếu với cha mẹ hay trong cổ tích Phật giáo có  truyện Phật mang dép ngược, nhằm nhấn mạnh phận làm con cái hiếu thảo với cha mẹ chính là tôn kính đức Phật. Khi luận bàn về công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành, ngôn ngữ thế gian khó có thể so sánh công ơn cao dầy ấy, nên trong ca dao Việt Nam có câu:

Nước biển mênh mong không đong đầy tình mẹ,
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.

Hoặc :
Bao la bóng nước biển Đông,

Không bằng một nửa tấm lòng mẹ tôi 

      Tình mẫu tử thiêng liêng, công ơn to tác không thể đo lường ấy, được biểu lộ qua cử chỉ dịu dàng, hy sinh chăm lo cho con trong thời gian chín tháng  mang thai, ba năm bú mớm. Sự kiện đó, được lưu truyền trong dân gian như một lời nhắc nhở người con nhớ đến công ơn nầy :

Nhớ ơn chín chữ cù lao,
Ba năm bú mớm biết bao thân tình.

Không những thế, khi con đau ốm người mẹ bồn chồn lo âu , hốt hoảng :

Con ho lòng mẹ  tan tành,
Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi.

 Hay:
Nuôi con chẳng quản chi thân,
Chổ ướt mẹ nằm, chổ ráo con lăn

 Hoặc:
Nuôi con buôn bán tảo tần,
Chỉ mong con lớn nên thân với đời.
Những khi trái nắng trở trời,
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên.
Trọn đời vất vả triền miên,
Chăm lo bát gạo, đồng tiền nuôi con.   

Thân phận người con gái  được diễn tả như con thuyền phiêu bạt, lênh đênh trên sóng nước. Trong mười hai bến đổ, chẳng biết tấp vào nơi mô:

                Thân gái mười hai bến nước, trong nhờ, đục chịu 

Nhưng dù rơi vào hoàn cảnh nào trong mười hai bến nước, dù được sống cảnh giàu sang hay nghèo khó hoặc giữa đàng gãy gánh, dù phải  sống  trong môi trường xã hội đầy bon chen kiếm sống, lắm khi thất bại là kinh nghiệm của thành công thì người mẹ Việt Nam vẫn mong ước, cố gắng cho con thơ  đến trường học , để thầy, cô dạy những điều hay, lẻ phải:

Ví dầu cầu ván đóng dinh,
Cầu tre lắc lẽo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi,
Con đi trường học, mẹ đi trường đời

Nếu cha hỏi cặp đào trước ngõ
Sao chỉ còn một gốc ngả nghiêng?
Con sẽ chỉ một cây đào nhỏ
Bên cây tùng, rồi đứng lặng yên

     Tình mẫu tử  thiêng liêng, công ơn dưỡng dục vô cùng tận, nên dù dùng các hình dung từ núi cao vời vợi, đại dương mênh mông hay bầu trời lồng lộng, cũng không sánh bằng huống chi là tình  huynh đệ ruột thịt, chú, bác, cô, dì, tình bạn bè,  tình giao tiếp trong xã hội … lại càng khó so sánh :

 Đi khắp thế gian không ai bằng mẹ,
Gian khổ cuộc đời ai nặng gánh hơn cha

Hoặc 
Dù đi khắp bốn phương trời,
Công cha nghĩa mẹ không ai sánh bằng.

Tình mẫu tử, ôi thật cao qúy, thiêng liêng.  Những bậc làm cha mẹ thường dành trọn cuộc đời của mình thương yêu, chăm sóc con cái. Từ sự hy sinh cao cả ấy, những người con hiếu hạnh nhận ra rằng dù nước biển bao la, bát ngát nhưng cũng có lúc vơi đi, nhưng lòng thương  yêu của cha mẹ đối với đàn con thì suốt đời vẫn trào dâng:

Biển  Đông còn lúc vơi đầy,
Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng.

Và những hiếu tử ấy cũng nhận thức được rằng  cho dù núi non to lớn, hùng vỉ cách mấy song cũng khó so sánh với công ơn vô tận của cha mẹ:

Ai rằng công mẹ như non,
Thật ra công mẹ lại còn lớn hơn .

Nhằm đền đáp công ơn cao dày của bậc sinh thành. Khi cha mẹ còn sinh tiền, bổn phận làm con tránh làm cho phụ mẫu buồn phiền rơi lệ:

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không

(Ảnh:Internet)

Nếu mình hiếu với mẹ cha,
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì?
Nếu mình ăn ở vô nghì,
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công

Hoặc :
Hiếu thuận sinh ra con hiếu thuận
Ngỗ nghịch nào con có khác chi!
Xem thử trước thềm mưa xối nước,
Giọt sau, giọt trước chẳng sai gì

     Gương hiếu hạnh của các vị hiếu tử là bài học luân lý, đạo đức hiệu qủa nhất để các con cháu họ noi theo.  Gia đình vốn là nền tảng của xã hội, của đất nước, nên những viên gạch tốt đẹp đó đã góp phần không nhỏ vào việc tạo nên một đất nước có nét đẹp văn hóa đạo đức trong sinh hoạt cộng đồng. Nhằm hổ trợ cho đơn vị gia đình, để gìn giữ nền văn hóa quí giá do tiền nhân đã dày công gầy dựng, bồi đắp mà thế hệ hôm nay được thừa hưởng. Nếu những người con Phật biết tuân hành, áp dụng  vào đời sống, người viết nghĩ rằng  xã hội sẽ có cuộc sống tốt đẹp, an bình thịnh trị, người người hạnh phúc.

(TG:VÕ ĐÌNH NGOẠN)

Ý kiến phản hồi

Gửi Phản hồi


V . Quê Hương Việt Nam q Bước đầu học Phật